Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực để phát triển đất nước
Khắc phục triệt để những điểm nghẽn về thể chế sẽ khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển, tạo tiền đề vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trong nhiều bài phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Việt Nam đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc." Đây không chỉ là một thông điệp, mà còn là quyết tâm cao của Đảng được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 10.
Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ, tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế pháp luật vừa để giải quyết những vấn đề cấp bách mới nảy sinh, những yêu cầu phát triển lâu dài về kinh tế, xã hội trong thực tiễn chính là một trong những điều kiện quan trọng để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngay thời điểm Luật Đất đai 2024 được thông qua vào đầu năm nay, ông Đồng Anh Tuấn (ở TP.HCM) mừng rỡ vì sẽ có cơ hội được cầm trên tay tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mong mỏi bấy lâu. Bởi lẽ Luật Đất đai mới mở ra cơ hội được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với nhiều hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền:
"Rất mừng là Nhà nước đã thay đổi luật đúng theo tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chúng tôi rất mong muốn Luật được thực thi đúng, đủ theo nguyện vọng và đúng luật của Nhà nước ban hành", ông Đồng Anh Tuấn cho biết.
Với góc độ thể chế phát triển cho các địa phương, Nghị quyết 136 năm 2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng mở ra cơ hội mới phát triển xứng tầm với đô thị trọng điểm khu vực miền Trung. Nổi bật nhất là Quốc hội đồng ý thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho biết, khu thương mại tự do là một trong những khu thương mại rất tốt trên thế giới. Đặc biệt một số nước lân cận trong khu vực đã có khu thương mại như thế này. Đây là bước khởi đầu của Đà Nẵng, tạo luồng gió mới cho doanh nghiệp để họ đón đầu cơ hội đầu tư; giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giao thương hàng hóa.
"Đây là cơ hội rất tốt. Công ty kỳ vọng rất nhiều vào khu thương mại tự do này. Vì hiện nay tất cả nguyên vật liệu của công ty nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc..., hy vọng rằng đây là cơ hội để các nước đầu tư vào khu thương mại, lúc đó việc cung cấp nguyên vật liệu sẽ dễ hơn", ông Nguyễn Văn Phu cho biết.
Đây là những là ví dụ cho thấy hiệu quả thực tế những bước đổi mới liên tục, rõ nét trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật, từ đó mang lại sức sống mới cho nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Những kết quả này trước hết đến từ nhận thức rõ về tầm quan trọng của thể chế pháp luật. Thời gian qua Đảng, Chính phủ, Quốc hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức hơn 28 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là kỳ họp “kỷ lục” bởi số lượng các dự thảo luật thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển:
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm ưu tiên nguồn lực tích cực chuẩn bị đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 là chỉ bàn làm, không bàn lùi. Trong tình hình đất nước hiện nay, với tinh thần mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước, chúng ta phải làm việc nhiều hơn, phải tích cực hơn, phải tăng tốc hơn, để bứt phá hơn, quyết liệt hơn, trọng tâm, trọng điểm hơn để tiến lên, cùng bứt phá trong quá trình phát triển của đất nước bối cảnh hiện nay. Để chúng ta khẳng định tầm vóc của đất nước, khẳng định sự lớn mạnh của dân tộc ta trong bối cảnh tình hình thế giới khó khăn", Thủ tướng cho biết.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội cũng đã chủ động, trách nhiệm, đồng hành cùng Chính phủ giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trong xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra. Đến nay đã có 8 Kỳ họp bất thường và 8 Kỳ họp thường lệ của Quốc hội, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng khác.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP.HCM) nhận định, chúng ta có sự quyết tâm chính trị rất cao tiếp tục đột phá về thể chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để phát huy tinh thần năng động sáng tạo, đột phá.
Tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn những điểm nghẽn về thể chế. Một trong những giải pháp để tăng tốc, đột phá hoàn thành các mục tiêu của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII là phải tháo gỡ được vướng mắc về pháp lý, tăng cường phân cấp, phân quyền, tránh cơ chế xin – cho, tránh cài cắm lợi ích nhóm gây cản trở sự phát triển…
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phân tích, đổi mới thể chế, điểm cốt lõi đầu tiên phải từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Do đó, cần có sự thay đổi, pháp luật phải làm cơ sở đáp ứng phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp chứ không phải là mọi người phải quay quanh quy định của luật pháp. Công tác lập pháp phải tạo ra một khuôn khổ, một hành lang để cho những người thực thi vận dụng luật pháp để đáp ứng thực tiễn.
"Luật pháp phải tạo ra khuôn khổ để cho tất cả những người thực thi được quyền năng động, được quyền sáng tạo nhất trong quá trình vận dụng và mục tiêu cốt lõi là đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đồng thời tạo ra một sự linh hoạt trong quá trình thực thi pháp luật. Đó chính là trao quyền, là trao quyền lớn nhất, trao quyền sáng tạo, trao quyền năng động và chính đó là một thể chế mà ta gọi là thể chế kiến tạo”, ông Hoàng Văn Cường cho biết.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế pháp luật cũng cần nâng cao hiệu quả triển khai luật. Khắc phục tình trạng luật ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống vì chờ các văn bản hướng dẫn chi tiết vốn đã xảy ra từ nhiều năm qua, mà vẫn chưa được khắc phục triệt để. Do đó Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, triển khai luật. Điều đó cho thấy ý nghĩa quan trọng của công tác triển khai thực hiện pháp luật, góp phần đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành, nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương trong việc sớm đưa các luật vào cuộc sống.
Ông Ngô Tự Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, pháp luật chỉ có giá trị là đi vào được cuộc sống. Để làm được như vậy từ khâu xây dựng đến khâu triển khai, khâu tổ chức thực hiện phải được tiến hành một cách đồng bộ. "Tin tưởng rằng từ nay cho đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với cái đà này thì công tác xây dựng pháp luật của Quốc sẽ tiếp tục đạt thành tích tốt và sẽ đạt được những yêu cầu mà Kết luận số 19 của Bộ Chính trị đề ra cho cả nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV", ông Ngô Tự Nam cho biết.
Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
”Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Khắc phục triệt để những điểm nghẽn về thể chế chắc chắn sẽ khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển, tạo tiền đề vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Các tin khác
Tồn kho bất động sản phình to... có đáng lo?
08/11/2024 08:18:38
Chấp nhận mua chung cư ngoại ô, người nghèo vẫn không 'gồng' nổi giá
08/11/2024 08:18:38
Cấp dưới sai sót, nhầm lẫn khiến Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sai
08/11/2024 08:18:38
ĐBQH: "Lợp lại mái nhà, trám mấy bức tường nứt cũng phải đấu thầu"
07/11/2024 09:31:31
Đánh thuế người sở hữu ngôi nhà thứ 2 có phải là “khôn ngoan”?
07/11/2024 09:17:19
Chống lãng phí - chống 'giặc nội xâm'
07/11/2024 09:12:23
Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình
07/11/2024 08:46:05
Khu công nghiệp Cầu Nghìn: Đánh thức công nghiệp vùng cửa ngõ
07/11/2024 08:44:44