Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực làm các dự án lớn

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại cuộc gặp mặt với Thường trực Chính phủ sáng 4/10.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. 


Chính phủ nên "đặt đề bài" cho doanh nghiệp Việt những dự án lớn

Nhấn mạnh việc cần thiết phải đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Thân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cần có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân", có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia.

Lý giải cho đề xuất này, ông Thân cho rằng đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).

Điều này một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.

Theo ông Thân, nước ta hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Vậy nên Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.

Nói về doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu NSNN và 60% lao động, ông Thân cho rằng đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối với doanh nghiệp lớn. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ.

Cũng nhấn mạnh vị thế của doanh nghiệp Việt Nam, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) thông tin: Tuần trước, tại Panama, sau 5 năm kể từ Cape Town 2019, VLA đã vinh dự nhận quyền đăng cai tổ chức Đại hội Thế giới của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận và Vận tải Quốc tế (FWC2005) tại Hà Nội từ ngày 6-10/10/2025. Đoàn Việt Nam với hơn 25 đại biểu sẽ là một trong những đoàn đông đảo tham dự Đại hội.

Ông Khoa cho rằng, những hoạt động của VLA tại Panama đã để lại nhiều ấn tượng, từ đó nhận được sự tin tưởng của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) và hơn 100 hiệp hội quốc tế. Tất cả đại biểu đều mong muốn được đến Việt Nam tham gia Đại hội trong một đất nước năng động, phát triển, đầy cơ hội kinh doanh và trải nghiệm thú vị, hứa hẹn sẽ là một kỳ Đại hội thành công nhất trong lịch sử 99 năm của Liên đoàn, với sự tham gia của hơn 1.200-1.500 đại biểu quốc tế.

Chủ đề của Đại hội được chọn là "Logistics xanh và thích ứng nhanh," thể hiện xu hướng phát triển của ngành logistics toàn cầu, cũng như cam kết của Việt Nam đối với một tương lai phát triển bền vững, như Thủ tướng đã phát biểu tại COP26. 

Cần "điểm tựa" khi đầu tư ra nước ngoài

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, thông tin, sau chặng đường 18 năm đầu tư, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới, giá trị thương hiệu theo định giá gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và giá trị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á.

Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD, trong đó chiếm tỉ trọng lớn là các dự án viễn thông của tập đoàn.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, kinh doanh ra nước ngoài cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là ở những nước lớn, phát triển thực sự không phải dễ cho lĩnh vực công nghệ cao, những vùng khó khăn như ở châu Phi, Nam Mỹ, hay ở Đông Nam Á.

"Trong một chương trình do VTV tổ chức, Thủ tướng có nhấn mạnh đến những điểm tựa Việt Nam, chúng tôi, khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa đó, nhất là tại những nước chúng ta không có sứ quán, bảo hộ đầu tư. Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài

Cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.

Cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư", ông kiến nghị.

Kích cầu tiêu dùng với phiếu mua sắm - voucher

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC nhận định, sự lãnh đạo quyết đoán và tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng cùng các cấp chính quyền, với các chính sách kịp thời và hiệu quả đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng mặc dù trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất thường.

Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, cần có những chính sách "kích cầu tiêu dùng".

Một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự. Đối với Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định.

Theo bà Ngọc, những voucher này tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistic và các dịch vụ đi kèm được phát triển… sẽ thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân.

Nhắc đến việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, bà Ngọc cho rằng rất cần thiết. Bởi Việt Nam có tiềm năng lớn về dân số và sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính trong nước, lợi thế về múi giờ đối với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới hiện hữu.

Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng đóng góp tỷ trọng lớn về nguồn vốn bền vững bên cạnh thị trường tiền tệ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao vị thế Việt Nam. Đây là những lợi thế hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực, thu hút các nhà đầu tư lớn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường vốn.

Đại diện TTC cũng đề nghị Chính phủ xem xét các chính sách đột phá tạo môi trường cởi mở cho các nhà đầu tư, kiến nghị xác định khu vực có đủ tiềm năng, thế mạnh, sự độc bản như môi trường trong xanh - phát triển được kinh tế xanh; cơ sở hạ tầng tốt - phát triển được kinh tế số; quỹ đất còn nhiều dư địa - quy hoạch bài bản và hiện đại... để thu hút nhiều nhà đầu tư vốn lớn đến và đầu tư.

Phải có nhiều nhà ở thương mại vừa túi tiền người dân

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng các bộ, ngành đã dành rất nhiều thời gian để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt Nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ có nội dung: "tất cả các chủ thể chung tay tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững".

"Thủ tướng đã truyền cảm hứng, truyền năng lượng cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nỗ lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra", ông Châu nói.

Để đội ngũ doanh nhân vững mạnh và phát triển, theo ông Châu "rất mong không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự".

"Chúng tôi cũng rất hoan nghênh Chính phủ đã giao các bộ, ngành thực hiện xây dựng 3 dự thảo Luật. Chúng tôi mong tất cả các cơ quan quản lý phối hợp để tháo gỡ hơn 500 dự án để tăng cung, giảm giá nhà, đồng thời thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đã phát động.

Đối với lĩnh vực bất động sản, chúng tôi phải làm sao có nhiều nhà ở thương mại mà vừa túi tiền người dân, giảm giá nhà, phải tham gia để phát triển được 1 triệu căn nhà ở xã hội và mong Thủ tướng quan tâm đến vấn đề 500.000 chủ nhà trọ trên phạm vi cả nước đang giải quyết chỗ ở cho hàng triệu công nhân và người có thu nhập thấp đô thị nhưng họ chưa được hưởng chính sách gì", ông nói.